Chất đạm trong thịt cá lăng góp phần quan trọng vào việc duy trì, tăng trưởng khối lượng mô, cơ. Nó còn góp phần tăng cường hệ miễn dịch, tăng cường chức năng não, cân bằng nhiều hormone trong cơ thể. Ngoài ra, protein trong thịt cá lăng còn có chức năng vận chuyển và lưu trữ các chất trên màng tế bào, góp phần nuôi dưỡng tế bào.
Ăn cá lăng có béo không? Thay vì ăn thực phẩm có hàm lượng chất béo cao, ăn thịt cá lăng với hàm lượng đạm cao là cách để bạn kiểm soát cân nặng của mình. Chưa hết, chất đạm trong thịt cá lăng còn giúp cơ thể hấp thụ magie và canxi tốt hơn. Điều này cần thiết cho việc duy trì sức mạnh của hệ xương khớp. Các chuyên gia cũng cho rằng, thực phẩm có nhiều protein và ít chất béo bão hòa như cá lăng tốt cho tim mạch, đường huyết.
Thành phần dinh dưỡng của cá lăng cũng chứa nhiều omega-3. Loại cá này được yêu thích vì cung cấp hàm lượng cao chất béo không bão hòa đa omega-3 (một loại chất béo cực thiết yếu với cơ thể nhưng tự cơ thể không tổng hợp được mà cần nạp vào từ các nguồn bên ngoài). Omega-3 có tác dụng giảm nguy cơ mắc các bệnh tim mạch, giúp ngủ ngon hơn, cải thiện thị lực, tốt cho não bộ, nâng cao miễn dịch.
Cá lăng gác bếp Plây Hrê
Ở vùng đất Sơn Hà – nơi mây phủ đỉnh đồi và suối mát uốn lượn quanh bản làng – đồng bào Hrê từ bao đời nay đã có những cách sống chan hòa với thiên nhiên, từ săn bắt, trồng trọt đến việc bảo quản thực phẩm. Giữa điều kiện thiếu thốn về phương tiện bảo quản hiện đại, giàn bếp – nơi luôn rực hồng lửa củi trong mỗi gian nhà sàn – đã trở thành không gian đặc biệt, không chỉ để nấu nướng mà còn để gìn giữ nguồn lương thực quý giá.
Từ cá, thịt cho đến các loại củ quả, mọi thứ đều được gác lên giàn bếp – cách trần bếp khoảng một mét – nơi khói bếp âm ỉ tỏa ra ngày đêm. Khói giúp sấy khô thực phẩm từ từ, khử khuẩn tự nhiên, giữ được lâu và đặc biệt tạo nên hương vị khói bếp đặc trưng, không thể nhầm lẫn – thứ hương thơm đã trở thành “chữ ký” của ẩm thực miền núi. Truyền thống đó không chỉ là cách sống, mà còn là một kho báu văn hóa ẩm thực của dân tộc Hrê.
Mang trong mình tình yêu với bếp lửa bản làng, và khát khao đưa ẩm thực truyền thống chạm tới trái tim người tiêu dùng hiện đại, tôi đã bắt đầu hành trình nghiên cứu, thử nghiệm và phát triển sản phẩm đặc sản từ phương pháp gác bếp của đồng bào.
Tôi dành nhiều thời gian đi từng làng, gặp gỡ các già làng, học hỏi và ghi chép những công thức ướp thịt, ướp cá truyền thống, cách chọn củi, cách xác định độ khói và thời gian gác bếp phù hợp theo từng loại nguyên liệu. Nhưng tôi hiểu rằng để sản phẩm có thể vươn xa, phải có thêm yếu tố khoa học và sáng tạo.
Từ nền tảng truyền thống ấy, tôi kết hợp cùng một nhóm cộng sự trong lĩnh vực nông nghiệp và thực phẩm, bắt tay xây dựng công thức mới cho sản phẩm “cá lăng gác bếp Plây Hrê”. Chúng tôi định lượng lại các thành phần gia vị theo tỷ lệ phù hợp với khẩu vị người thưởng thức, nhưng vẫn giữ nguyên tinh thần gia vị Hrê.
Nguyên liệu được lựa chọn kỹ càng: cá tưới tươi đạt chuẩn, sơ chế sạch, cắt lát theo độ dày chuẩn mực để khi gác bếp vẫn giữ được độ mềm, dai, không bị khô vụn. Quá trình sơ chế được kiểm soát nghiêm ngặt: độ cao, độ ẩm, loại củi đốt để giữ cho thịt cá thấm đều hương khói nhưng không ám mùi gắt. Thành phẩm là miếng cá thơm nồng, dẻo chắc, thớ thịt ngấm vị đậm đà của núi rừng, vừa giữ được tính dân dã, vừa đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Tôi đặt tên cho dòng sản phẩm của mình là “Cá lăng gác bếp Plây Hrê” – như một lời tri ân tới truyền thống của cha ông và văn hóa bếp lửa của người đồng bào.
Tôi cải tiến bao bì sản phẩm, đóng gói chân không, in nhãn mác kết hợp mã QR truy xuất nguồn gốc để tăng tính minh bạch. Tất cả đều tuân thủ quy trình an toàn thực phẩm, nhưng vẫn giữ được nét thủ công và truyền thống. Đó là cách tôi vừa bảo tồn, vừa phát triển.
“Cá lăng gác bếp Plây Hrê” không chỉ là một sản phẩm nông nghiệp, mà là kết tinh của văn hóa – ẩm thực – con người Sơn Hà. Nó mang trong mình hồn cốt của núi rừng, của bếp lửa, của tình thân và sự gắn bó của đồng bào Hrê với thiên nhiên. Khi sản phẩm được công nhận OCOP, tôi càng tin tưởng vào con đường mình đang đi: biến món ăn quê nhà thành niềm tự hào, lan tỏa bản sắc dân tộc đến khắp mọi miền.
Sản phẩm không chỉ góp phần giữ gìn nghề truyền thống, mà còn tạo việc làm cho người dân địa phương, nhất là phụ nữ và thanh niên nông thôn. Tôi mong muốn thông qua “Cá lăng gác bếp Plây Hrê”, sẽ có thêm nhiều người biết đến văn hóa Hrê, yêu thêm vùng đất Sơn Hà và tiếp thêm động lực cho những người trẻ như tôi, dám quay về, dám gìn giữ, dám phát triển những điều tưởng chừng đã cũ.
“Cá lăng gác bếp Plây Hrê – Hương khói quê nhà, vị tình núi rừng
Từ bàn tay người Hrê, đến mọi căn bếp Việt”.